Nhiều người vẫn quen gọi đây là đèo Hoàng Liên. Đỉnh đèo là nơi tiếp giáp giữa hai tỉnh Lai Châu và Lào Cai. Có lẽ đây là con đèo dài nhất dải Tây Bắc, tới hơn 40km. Đường sá khá tốt và núi non thật hùng vĩ. Những tấm biển “Chú ý tai nạn” được cắm dọc đường rất nhiều, luôn đập vào mắt người đi đường như những lời căn dặn.
Cung đường này ôtô qua lại nườm nượp, nhất là cánh xe khách. Để đi từ Hà Nội lên Lai Châu, nhiều người thường chọn cách đi tàu lên Lào Cai và tiếp tục cuộc hành trình Lào Cai – Lai Châu bằng đường này.
Tôi từng nghe những truyền thuyết ở đèo Ô Quy Hồ, thường là các câu chuyện truyền miệng nghe có phần hoang đường nhưng cũng đủ làm người yếu bóng vía rợn tóc gáy. Nhân vật đáng sợ luôn là các thần hổ – những con hổ già đời tinh quái, thường rình rập ở đâu đó trên đèo để bắt người. Nhắc tới Ô Quy Hồ, nhiều người không khỏi rờn rợn liên tưởng tới tập truyện “Ai hát giữa rừng khuya” của nhà văn tiền chiến TCHYA.
Con đèo chạy men sườn dãy Hoàng Liên, nơi được coi là mái nhà nước Việt. Đường dài hun hút, lẩn khuất trong những vách núi, thoắt ẩn thoắt hiện. Và điều làm tôi kinh ngạc hơn cả là sự khác biệt về thời tiết. Bên sườn Lai Châu, thời tiết không đến nỗi lạnh nhưng từ đỉnh đèo đổ dốc xuống sườn Lào Cai thì nhiệt độ hạ xuống ghê gớm, có lẽ chỉ vài độ. Từ đỉnh đèo chạy về Sa Pa (dài 12km), tôi đi trong cái rét tê tái, mặt gần như không còn cảm giác và tay chân buốt như có kim đâm.
Đèo Tây Bắc luôn là đề tài thú vị nhất trong những câu chuyện của những người từng qua mảnh đất này! Qua thời gian, những con đèo được mở rộng ra, bớt cao và bớt nguy hiểm, thì cái thú vị khi vượt đèo cũng nhạt dần. Lần sau nếu có dịp đi qua Pha Đin, tôi chắc chắn đó sẽ là con đường rất rộng. Chỉ mong sao sẽ không phải thấy hình ảnh những chiếc xe tải bị lật. Những hình ảnh ấy ám ảnh tôi tới tận bây giờ.
(sưu tầm)