Những ông chủ lớn trong thế giới @

Dù mới là sinh viên, thậm chí chưa có trong tay bằng cấp gì nhưng họ không ngừng nỗ lực, tìm tòi, sáng tạo và đã trở thành những “ông lớn” khi tuổi đời còn rất trẻ.

1. Mark Zuckerberg, 26 tuổi


Zuckerberg là người đồng sáng lập Facebook, mạng xã hội phổ biến nhất hiện nay. Trong năm nay Facebook đã thu về từ 710 triệu đến 1 tỉ USD doanh thu. Riêng Mark sở hữu số tài sản lên đến 4 tỉ USD.

Zuckerberg bắt đầu thành lập mạng Facebook ngay tại phòng ký túc xá của mình vào tháng 2-2004. Ban đầu, chàng sinh viên ĐH Harvard này không có ý định phổ biến trang xã hội trên, nhưng anh nhanh chóng nhận ra sự hấp dẫn trong việc kết nối bạn bè qua mạng Internet.

Vậy là Zuckerberg cùng một số người bạn khác bắt đầu mở rộng Facebook đến các trường đại học khác như Stanford, Dartmouth, Columbia và Yale… Kể từ đó, Facebook bắt đầu được phổ biến rộng rãi, ban đầu là với các học sinh trường trung học, đại học, sau đó là các công ty lớn (6-2006). Đến nay Facebook có hơn 400 triệu người sử dụng trên toàn thế giới.

2. Dennis Crowley, 33 tuổi và Naveen Selvadurai, 28 tuổi


Vào năm 2005, hai chàng trai sinh viên của ĐH New York đã phát minh dịch vụ giao dịch từ xa và sau đó bán cho Dodgeball cho Google, mở rộng thành Foursquare hôm nay. Dịch vụ này nhằm giúp người tham gia Facebook và Twitter có thể cho bạn bè biết địa điểm hiện tại của mình cùng những nơi thú vị khác xung quanh đó. Được biết, Selvadurai chính là người viết ra phần mềm trên còn Crowley sử dụng cho các phương tiện truyền thông xã hội.

Về ý nghĩa của việc tạo ra sản phẩm này, Selvadurai cho biết: “Tôi sống tại một ngôi làng nhỏ. Ở đó có rất nhiều sự kiện lịch sử phong phú và quá nhiều thứ thú vị. Tôi nhận ra mình chỉ có thể thấy được 5% của nó. Điều này thôi thúc tôi tìm kiếm cách nào đó giúp chính mình và bạn bè có thể trao đổi, tìm hiểu nhiều hơn về cuộc sống xung quanh”. Hiện tại, số lợi nhuận họ thu về trị giá hơn 80 triệu USD.

3 Aaron Patzer, 30 tuổi

Aaron là người đã tạo ra Mint.com, một trang web quản lý tiền phổ biến thể giới được Intuit mua lại với giá 170 triệu USD vào năm ngoái. Là sinh viên tại ĐH Duke, Aaron được học về khoa học máy tính, kỹ thuật điện, và kỹ thuật máy tính.

Sau đó anh bắt đầu theo đuổi một chương trình tiến sĩ. Tuy nhiên thấy không thực tế, Aarond tự mình mày mò và thành lập nên trang Mint.com khi mới 25 tuổi. Mọi người có thể không ngạc nhiên khi hiểu vì sao Aaron lại có được thành công này. Đơn giản chỉ vì nhiều người đều muốn có tiền và Patzer tạo ra một trang web dễ sử dụng giúp mọi người giữ nhiều tiền hơn.

4. Andrew Mason (29 tuổi)


Andrew Mason đã lập nên trang Groupon, một trang web cung cấp các phiếu giảm giá với doanh thu ước đạt 350 triệu USD vào năm 2010. Mason khôn khéo khai thác sức mạnh của việc mua hàng giảm giá theo nhóm qua mạng thông qua Groupon.

Dịch vụ này có mặt tại các thành phố trên toàn quốc, cung cấp các chương trình giảm giá từ các doanh nghiệp địa phương. Điều này vừa giúp khách hàng tiết kiệm một khoản tiền lớn, vừa giúp các doanh nghiệp có được lượng lớn khách hàng. Ước tính công ty đã mang về gần 1,2 tỉ USD.

5. Chad Hurley (34 tuổi), Steve Chen (32 tuổi) và Jawed Karim (31 tuổi)


Nếu bạn từng xem những đoạn video một con mèo chơi piano hay Susan Boyle biểu diễn, chắc hẳn bạn đã biết đến trang web chia sẻ video nổi tiếng Youtube. Và Chad, Steve và Jawed chính là những người sáng lập nên trang web này.

Hurley làm việc tại PayPal và là người đề ra ý tưởng về một trang web chia sẻ video với hai đồng nghiệp Chen và Karim. Khi họ được trao tiền thưởng sau khi eBay mua lại PayPal, họ đã sử dụng số tiền này cùng một số vốn kinh doanh xây dựng một văn phòng trong nhà để xe.

Tại đây vào tháng 2-2005, họ thành lập nên YouTube. Dù chưa có thống kê chính xác về giá trị tài sản của Hurley, Chen và Karim nhưng chúng ta vẫn biết con số ấy lớn đến mức nào qua việc Google mua lại YouTube với giá 1,65 tỉ  USD vào tháng 11-2006.

6. Kevin Rose (33 tuổi)


Kevin Rose là người đã tạo ra Digg, một trang web chia sẻ với doanh thu ước tính 31 triệu USD. Như rất nhiều triệu phú trẻ tuổi khác, Rose sáng lập trang web này dựa vào nhu cầu về sự tương tác của khách hàng trên mạng.

Với Digg, một trang web cung cấp khả năng tìm kiếm và nhận sự tương tác từ phía khách hàng phổ biến nhất thế giới, Rose đã được chọn là biểu tượng doanh nhân trẻ thành công trên trang bìa của BusinessWeek trong năm 2006 với tiêu đề “Làm thế nào một chàng trai trẻ có thể kiếm được 60 triệu USD trong 18 tháng”.

Mặc dù nhiều nhà phê bình phê bình nghi ngờ về tính vững chắc của trang web này nhưng BusinessInsider.com gần đây đã ước tính công ty này có thể trị giá gần 250 triệu USD.

THIÊN HƯƠNG

Theo TTO

10 cuộn da của “Người bán hàng vĩ đại nhất thế giới”

Tóm tắt từ quyển “Người bán hàng vĩ đại nhất thế giới” của Og Mandino, trong đó giới thiệu 10 cuộn da ghi 10 bí kíp đã giúp những người sở hữu chúng thành công lớn trong kinh doanh. Vậy 10 cuộn da đó nói gì?

Cuộn da thứ 1: kiên trì lặp lại, tạo thành thói quen từ 10 cuộn da còn lại

Cuộn da thứ 2: cần dành tình yêu cho mọi người, mọi việc, và bản thân mình để làm mọi việc tốt hơn, tuyệt hơn, thuận lợi hơn

Cuộn da thứ 3: tôi sẽ kiên trì cho đến thành công

Cuộn da thứ 4: tôi là một sự nhiệm mầu vĩ đại của thiên nhiên, và tính độc nhất, khác lạ trong món hàng tôi bán

Cuộn da thứ 5: tôi sẽ sống ngày hôm nay như là ngày cuối cùng của đời tôi.

Cuộn da thứ 6: kiểm soát tâm trạng và cảm xúc tích cực

Cuộn da thứ 7: tôi sẽ cười với thế giới

Cuộn da thứ 8: tôi sẽ nhân giá trị của tôi lên gấp trăm lần

Cuộn da thứ 9: tôi sẽ hành động ngay bây giờ

Cuộn da thứ 10: cầu nguyện được thông thái, biết cách

Học gì từ Bill Gates?

Sau ngày làm việc cuối cùng của Bill Gates tại Microsoft. Một số người thở phào vì đã loại bỏ được một đối thủ cạnh tranh nặng ký. Nhưng có rất nhiều điều những người trẻ tuổi có thể học hỏi từ một trong những doanh nhân thành công nhất trong thời đại của chúng ta.

Tập trung: Hơn 30 năm qua, Bill Gates đã chứng minh tầm quan trọng của sự rõ ràng, mạch lạc trong suy nghĩ và hành động. Không giống những người cùng thời, ông không bao giờ rời xa thứ mà ông hiểu rõ hơn bất kỳ thứ gì khác: phần mềm. Ông đã theo đuổi mục tiêu thống trị lĩnh vực phần mềm. Đầu tư vào lĩnh vực mới có thể hợp thời và đúng phong trào, nhưng mức độ rủi ro cũng rất cao. Nếu bạn cần một ví dụ điển hình về cái gọi là “khả năng tập trung vào thứ mình hiểu rõ”, thì Bill Gates và Microsoft chính là thứ bạn đang tìm kiếm. Tập trung cũng có nghĩa là khả năng theo đuổi mục tiêu một cách kiên định cho dù gặp phải bất kỳ trở ngại nào. Mức độ kiên nhẫn này không phải dễ dàng có được.

Dám nghĩ: Cùng với khả năng tập trung, khả năng ước mơ lớn và theo đuổi những ước mơ đó với lòng quyết tâm sắt đá đã hình thành lên một Bill Gates hoàn toàn khác so với các doanh nhân cùng thời. Các doanh nhân cần phát triển sự tự tin tối đa để có thể gánh vác cả thế giới và trở thành người chiến thắng.

Say mê: Bill Gates đơn giản chỉ nghĩ rằng, nếu có bất kỳ việc gì đáng làm, thì việc đó cũng đáng được làm thật tốt. Từ lời cảm ơn đơn giản tới lời đề xuất phức tạp, đảm bảo sự thành công cho bất kỳ việc gì mình làm chính là điểm mấu chốt. Nhu cầu cải tiến liên tục là thứ tương đối quan trọng. Thay đổi là hằng số duy nhất và chúng ta càng thích ứng và lanh lợi trước sự thay đổi, chúng ta càng có nhiều cơ hội thành công.

Học tập không ngừng: Mặc dù bỏ học giữa chừng khi đang học đại học để thực hiện ước mơ, nhưng Bill Gates có lẽ đã đọc nhiều hơn hầu hết chúng ta đã từng và sẽ đọc. Trong quá trình học tập, ông đã cho thấy những hạn chế của giáo dục chính quy. Giáo dục chính quy quả là rất quan trọng, nhưng có lẽ việc nhận thức rằng học tập là cả một quá trình lâu dài còn quan trọng hơn. Kiến thức là vô tận. Thậm chí cả khi chúng ta học tập không ngừng nghỉ suốt cuộc đời, nhiều khi chúng ta vẫn chỉ có thể hiểu được một phần nhỏ của biển kiến thức mênh mông. Kiến thức cần phải dẫn tới sự khiêm tốn và tính khôn ngoan – không kiêu ngạo và giành, giữ lợi thế với người khác.

Trả ơn xã hội: Quỹ Bill & Malinda Gates đưa ra một khía cạnh mới về lòng nhân đức bằng cách đi thẳng vào những vấn đề mang tính toán cầu: bệnh sốt rét, ung thư và AIDS. Cảm thấy tâm hồn thanh thản khi làm việc thiện dường như đã trở lên lỗi thời nhưng điều này có thể là cách tốt nhất để đẩy mạnh cuộc chiến chống lại những bệnh tật đã cướp đi sinh mạng hoặc làm tổn thương hàng triệu người mỗi năm. Bạn bè ông và tỉ phú Warren Buffet cũng cùng tham gia, góp phần làm cho cuộc đấu tranh mạnh mẽ hơn. Bill Gates đã thể hiện một mức độ kiên định đáng nể trọng cả trong các mục tiêu kinh doanh lẫn các mục tiêu từ thiện – ông thực sự là một công dân toàn cầu.

Trên thực tế, chỉ có 5% nguồn của cải giàu có của 200 người giàu nhất có thể dùng để loại bỏ một số những vấn đề cấp thiết nhất mà nhân loại đang phải đối mặt. Sự giàu có không nên chỉ hiểu theo khía cạnh xây dựng được những ngôi nhà chói lọi nhất mà còn là sự theo đuổi một mục đích tốt đẹp hơn, tốt đẹp cho bản thân và cho cả nhân loại.

Với bất kỳ một cá nhân thành công hay xuất sắc nào, luôn có rất nhiều vấn đề xung quanh họ khiến báo giới, các phương tiện thông tin đại chúng tốn nhiều giấy mực và thời gian tranh luận. Trong kỷ nguyên hiện đại, sự khác biệt giữa cách thức thực hiện và mục đích cần đạt được đang ngày càng trở lên mờ nhạt. Một số người có thể không tán thành với cách Bill dùng để đạt được thứ ông đã có, nhưng người ta cũng khó có thể phủ nhận những đóng góp của ông cho ngành công nghệ thông tin.

Tuy nhiên, lịch sử và hậu thế có thể sẽ nhớ tới những gì ông quyết định làm – ở tuổi đời còn tương đối trẻ – trong phần còn lại của cuộc đời ông. Cuộc chiến chống đói nghèo, bệnh tật và đem giáo dục đến cho người nghèo thực sự là những mục tiêu cao cả đáng được bất kỳ ai quan tâm tới nhân loại và chất lượng cuộc sống trên hành tinh này đẩy mạnh. Về vấn đề này, không thể có cá nhân nào tiêu biểu và xứng đáng tôn vinh hơn Bill Gates.

(sưu tầm)

10 câu nói bất hủ của Bill Gates

Trước khi về hưu vào đầu tháng 7 năm 2008, Bill Gates – ông chủ của tập đoàn máy tính lớn nhất thế giới Microsoft – đã đưa ra 10 lời khuyên dành cho các bạn thanh niên trên con đường lập nghiệp.

1. Thế giới vốn không công bằng. Bạn biết điều này chứ? Dù bạn có nhận thấy sự bất công trong xã hội hay không thì cũng đừng hy vọng làm thay đổi được nó. Việc cần làm là hãy thích nghi với nó.
(Sở dĩ như vậy là một mình bạn sẽ không thể nào làm thay đổi được sự bất công trong xã hội)

2. Mọi người sẽ không bao giờ ngó ngàng đến lòng tự trọng của bạn, điều mà họ quan tâm chính là thành tựu mà bạn đạt được. Do đó, trước khi có được những thành tựu thì bạn đừng nên quá chú trọng hay cường điệu lòng tự trọng của bản thân mình lên.
(Lòng tự trọng quá cao sẽ tỷ lệ thuận với sự bất lợi trong công việc của bạn)

3. Thường thì bạn sẽ không thể trở thành CEO nếu chỉ mới tốt nghiệp trung học. Nhưng khi bạn đã trở thành một CEO thì không còn ai để ý là bạn mới chỉ có tốt nghiệp trung học nữa.
(Lúc này người ta sẽ đánh giá và quan tâm nhiều đến năng lực hơn là bằng cấp của bạn)

4. Khi bạn gặp khó khăn hay bế tắc trong công việc thì đừng có oán trách số phận. Điều bạn học được khi gặp trắc trở chính là kinh nghiệm và bài học để lần sau không bao giờ mắc phải nữa.
(Điều cần làm lúc này là trấn tĩnh và bắt tay làm lại từ đầu)

5. Nên hiểu một điều rằng: Trước khi có bạn, bố mẹ bạn không phải là những người “chán ngắt, vô vị” như bạn của ngày hôm nay đã nghĩ. Đây chính là cái giá rất lớn mà bố mẹ đã phải trả cho sự trưởng thành của bạn.
(Bạn phải có nghĩa vụ đền đáp công ơn với những người đã dành cả cuộc đời mình cho sự sống và trưởng thành của bạn)

6. Khi đi học, bạn đứng thứ mấy trong lớp cũng không phải là vấn đề quan trọng. Nhưng khi đã bước chân ra xã hội thì mọi việc lại không đơn giản như vậy. Dù đi đâu hay làm công việc gì bạn cũng nên tạo đẳng cấp cho mình.
(Luôn tự nhủ rằng bạn sẽ luôn là người đứng đầu, như vậy bạn sẽ có động lực và tinh thần nhiều hơn cho sự nghiệp của bản thân)

7. Khi đi học, bạn luôn mong chờ đến ngày nghỉ lễ, Tết. Khi đi làm thì hoàn toàn không giống vậy, dường như là bạn sẽ không được nghỉ ngơi. Công việc sẽ cuốn bạn đi bất cứ lúc nào kể cả ngày nghỉ.
(Nếu là một nhân viên luôn mong chờ ngày nghỉ lễ thì bạn sẽ bị lạc hậu hơn so với những nhân viên khác. Sự lạc hậu này còn luôn đồng hành với sự đào thải và thất nghiệp).

8. Khi ngồi trên ghế nhà trường, lúc gặp khó khăn trong học tập thì có giáo viên giúp đỡ bạn. Tuy nhiên, nếu lúc đó bạn lại cảm thấy mọi khó khăn đều do những yêu cầu quá nghiêm khắc từ phía giáo viên thì bạn đừng nên đi làm sau khi tốt nghiệp. Đơn giản nếu như không có những yêu cầu nghiêm khắc từ phía công ty thì chắc chắn bạn sẽ không làm được gì và sẽ nhanh chóng thất nghiệp, hơn nữa lúc này sẽ không có ai giúp đỡ bạn cả.
(Nên nhận thức được rằng: Công ty sẽ luôn yêu cầu cao hơn rất nhiều so với trường học. Vì ở trường học, dù bạn có học được hay không thì chỉ ảnh hưởng đến cá nhân bạn. Còn ở công ty bạn có làm được việc hay không thì lại ảnh hưởng đến rất nhiều người)

9. Mọi người đều thích xem phim truyền hình, nhưng bạn không nên xem nhiều vì đó không phải là cuộc sống của bạn. Vì công việc ở công ty mới phản ánh cuộc sống thực của bạn.
(Bạn không nên xem nhiều vì tư tưởng của bạn sẽ bị ảnh hưởng bởi những bộ phim truyền hình đó. Cuộc sống của bạn nên do bạn quyết định)

10. Không bao giờ phê bình người khác sau lưng của họ, đặc biệt đừng bao giờ phê phán sếp là người không có năng lực, điều này là không đúng.
(Nếu bạn có thắc mắc gì trong công việc thì nên nói ý kiến của mình trước mặt mọi người. Còn nếu như bạn luôn giữ thái độ và hành động phản kháng sau lưng người khác thì chỉ có bất lợi cho bạn mà thôi).

Theo VNN

80/20 QUI LUẬT VÀNG CỦA MỌI THỜI ĐẠI

Vào một lúc nào đấy trong cuộc sống, chúng ta sẽ biết qua quy luật 80/20. Khá đơn giản, vì quy luật này nói lên rằng với 20% nỗ lực sẽ tạo ra 80% kết quả cuối cùng.

Có thể bạn đã biết đến quy luật này dưới cái tên “Quy luật Pareto” hay “Quy luật nỗ lực tối thiểu”. Tôi dám chắc với bạn rằng, đây là một khái niệm tiềm ẩn bên trong nó nguồn sức mạnh to lớn. Hy vọng qua bài viết này, bạn sẽ định hướng được thời gian và sức lực của mình vào những việc có thể mang lại kết quả khả quan nhất.

Tổng quan về quy luật 80/20

Vào năm 1897, Vilfredo Pareto, một nhà kinh tế học người Italia, trong khi đang học về sự phân bố của cải và thu nhập tại nước Anh trong thế kỷ 19, đã phát hiện ra, phần lớn diện tích đất đai và thu nhập được kiểm soát bởi một lượng nhỏ số người trong xã hội. Trên thực tế, 20% dân số kiểm soát đến 80% của cải và thu nhập.

Trong những phân tích và nghiên cứu tiếp theo, nhà kinh tế học huyền thoại này đã phát hiện ra rằng, nguyên tắc này không chỉ đúng trong nhiều quốc gia, giai đoạn lịch sử mà còn đúng với những gì xảy ra ngay trong khu vườn ông ta. Ở đây, ông ta thấy được, chỉ 20% cây đậu Hà Lan ông trồng đã cho ra đến 80% hạt đậu mà ông thu hoạch được.

Từ khi quy luật này ra đời, nhiều nhà nghiên cứu khác đã phát biểu tương tự như: 20% tội phạm là nguyên nhân của 80% các vụ phạm tội. 20% số người lưu thông trên được tạo ra 80% các vụ tai nạn. 20% tuyền đường chiếm 80% lưu lượng xe cộ hàng ngày. 20% những lỗi hàng hoá làm nảy sinh 80% các vấn đề rắc rối.

Thường gặp nhất là chúng ta vẫn nghe nói rằng, 20% khách hàng tạo ra 80% lợi nhuận cho một doanh nghiệp.

Tôi tin rằng, các bạn thử quan sát xung quanh mình hay nhìn lại quỹ thời gian hàng ngày, hãy xem những kết quả bạn đạt được, chúng xảy ra theo quy luật 50/50 hay 80/20?

Richard Kock, người sáng lập ra Bain & Co và BCG Consultant, từng khẳng định rằng: “20% việc chúng ta làm tạo ra 80% kết quả, nhưng 80% công việc còn lại chỉ tạo được 20% kết quả cuôi cùng mà thôi. Chúng ta đang phí phạm 80% thời gian của mình vào những việc kém hiệu quả”. Vậy lời khuyên của Koch là, thay vì cật lực theo đuổi tất cả các cơ hội sẵn có, chúng ta hãy bình tĩnh hơn, làm việc ít hơn và tập trung định hướng vào những mục tiêu có giá trị nhất dựa trên cách suy nghĩ của quy luật 80/20”.

Luật 80/20 trong cuộc sống kinh doanh

Vài tháng trước, tôi có nói chuyện một người bạn làm trong lĩnh vực in ấn quảng cáo. Anh ta đang cố gắng mở rộng hệ thống và muốn tìm kiếm những khách hàng tiềm năng mới. Rất tiếc, anh ta chỉ đủ thời gian để quản lý hệ thống những khách hàng sẵn có, nên chưa thể phát triển được. Khi tôi nói về quy luật 80/20, anh ta phát hiện ra rằng, chỉ có khoảng 20% khách hàng đem lại hầu hết lợi nhuận trong công ty. Trong khi, 80% số khách hàng hiện tại chẳng những không đem lại nhiều lợi nhuận mà đôi khi còn khiến anh ta mệt mỏi. Có thể còn nhiều yếu tố liên quan đến quản trị doanh nghiệp, xây dựng chiến lược kinh doanh trong trường hợp này, nhưng điều tôi muốn nói ở đây là, quy luật 80/20 tồn tại trong nhiều trường hợp hiển nhiên, đến mức chúng ta đôi lúc chẳng nhận ra sự hiện diện chúng.

Ngày nay, mở rộng kinh doanh có lẽ là mong muốn của hầu hết các doanh nghiệp. Tuy nhiên, trên thực tế, có rất nhiều doanh nghiệp dường như luôn thích thú với ngọn núi bên cạnh hơn là ngọn núi mình đang đứng. Kết quả, họ mất đi sự tập trung cần thiết để duy trì và phát triển thế mạnh của mình. Trong khi lẽ ra phải tập trung hơn vào sở trường, họ lại thích dàn trải hơn và trong hầu hết các trường hợp, kết quả kinh doanh thường bi quan hơn.

Trên thị trường, có rất nhiều chủng loại sản phẩm mà ở đây, 20% thương hiệu đứng đầu chiếm đến 80% thị phần. Đó cũng chính là lý do vì sao tập đoàn GE có lúc đã bán đi tất cả thương hiệu không phải là đứng đầu hay đứng thứ hai. Trong kinh doanh nói chung và marketing nói riêng, tập trung luôn là một vấn đề cốt lõi và cần thiết để thành công. Cho dù đó là một thành công về thị phần, doanh thu hay sự phát triển dài hạn trong tương lai. Vậy ngay hôm nay, hãy xác định những sản phẩm hay khách hàng nằm trong “Top 20%” của mình và dành cho họ nhiều thời gian và nỗ lực, bạn nhé!

Nghiên cứu – học tập

Bạn thường đọc một cuốn sách như thế nào? Từ trang này sang trang khác? Như vật, bạn đang lãng phí rất nhiều thời gian của chính mình. Thông thường, 80% những thông tin có giá trị nhất gói gọn trong 20% nội dung của quyển sách và nó thường chỉ chiếm 20% thời gian so với khoảng thời gian hầu hết mọi người xem xong toàn bộ quyển sách.

Nếu bạn đọc một quyển sách hay tài liệu để giải trí, tôi khuyên bạn hãy thử đọc mục lục và phần giới thiệu đầu tiên. Sau đó, là phần kết luận trước khi sang chương đầu, xem qua các biểu đồ, hình vẽ nếu có. Quay lại phần kết luận một lần nữa và có thể xem chi tiết vài phần bạn cảm thấy thật sự thú vị. Với cách đọc như vậy, bạn sẽ nắm được nội dung chính yếu nhất của quyển sách. Tốt hơn nữa, bạn có thể ghi chú lại hoặc làm “slide” tóm tắt về nó. Việc cần và nên làm là, nhớ xem chúng ta có thể tìm được thông tin cần thiết ở đâu từ tài liệu đã xem trong thời gian ngắn nhất. Trong thế giới tràn ngập những thông tin quá tải như hiện nay, việc rèn luyện và tuân thủ theo quy luật 80/20 là cấp thiết và quan trọng hơn bao giờ hết.

Xã hội

Hãy ngẫm lại xem, có lẽ bạn sẽ nhận ra rằng, 20% số bạn bè của bạn đem đến cho bạn 80% niềm vui và sự hài lòng. Có vẻ hơi khó nghe nhưng tại sao bạn không dùng nhiều thời gian gặp gỡ những người bạn giúp bạn cảm thấy vui vẻ và thoải mái hơn những người bạn khác? Giữ cho tinh thần thoải mái cũng là một yếu tố rất quan trọng để giữ gìn sức khoẻ và đạt được thành công trong công việc. Vậy tại sao không áp dụng ngay quy luật 80/20 này vào cuộc sống để xem bạn sẽ cảm thấy thoải mái và dễ chịu hơn như thế nào?

Tổng kết

Theo Richard Koch, “Quy luật 80/20, có thể giải phóng bạn. Bạn có thể làm việc ít hơn mà vẫn có thể kiếm nhiều lợi nhuận hơn, vui vẻ và nhàn nhã hơn”.

Hiện tại, người ta đã nói đến quy luật 90/10. Trên thực tế, 10% dân số thế giới đang nắm giữ 90% tài sản, trong khi 90% dân số còn lại chỉ sở hữu có 10% toàn bộ tài sản trên thế giới. Nỗ lực tối thiểu đang tạo ra kết quả to lớn hơn, đòi hỏi chúng ta cần phải tập trung cao độ hơn. Nếu bạn muốn nằm trong số 10% dân số nói trên, tôi tin rằng quy luật này rất cần thiết và hữu ích cho bạn.

Sau cùng, xin nhớ rằng, cố gắng ít hơn và kết quả cao hơn mới là những điều thật sự tốt. Hãy bắt đầu tìm kiếm và củng cố 20% của riêng mình để tiếp tục nâng hiệu quả làm việc lên gấp nhiều lần, bạn nhé!

(sưu tầm)