TRÍCH QUYỂN “KINH DỊCH NHẬP MÔN” – SGT VIẾT, HOÀN THÀNH 06/2022 – PHẦN 9

(tiếp theo phần trước)

ĐÚNG – SAI, HỎI ĐÁP HAY VỀ DỊCH

Dịch chỉ là sách dạy bói toán

Đúng: Chu Dịch và những môn mở rộng từ Chu Dịch dạy cách bói toán, tính toán cát hung cho sự việc, đoán việc tương lai. Kết quả cũng rất đúng.

Sai: Dịch không chỉ có thế. Bói toán là phần phụ. Phần chính, quan trọng nhất, là chỉ dạy ta những nguyên tắc vận hành cơ bản của Vũ trụ. Và con người là Tiểu Vũ trụ, nếu sống thuận theo những nguyên tắc đó, ắt hóa giải cái hung (xấu), tối ưu hóa sự việc, sống an nhiên tự tại, Thân Tâm an lạc, hướng đến “phản bổn hoàn nguyên” – mục đích chính của đời sống của mỗi con người chúng ta.

Hiểu Dịch rồi, biết bói Dịch rồi thì cái gì cũng biết, cũng đoán đúng, chẳng sợ gì nữa

Đúng: biết bói Dịch thì có thể đoán trước cát hung, có thể đoán được sự việc sẽ xảy ra như thế nào.

Sai: đoán trước được là một chuyện, tránh cái hung được hay không lại là chuyện khác. Lạm dụng việc bói toán quá sẽ không tốt. Dịch dạy thái quá hay bất cập đều không tốt, chỉ có trung dung là tốt. (Thái quá: dư thừa quá; bất cập: thiếu; trung dung: trung bình, quân bình.) Lạm dụng bói Dịch quá thì sẽ vi phạm nguyên tắc trung dung, biến mình thành “nô lệ” cho việc bói toán; rồi lại ỷ lại vào việc bói toán nên bản ngã (bản ngã: cái tôi) phình to, khó đứng vững trước cám dỗ công danh tiền tài, tự chuốc họa vào thân. Và lạm dụng thì mất linh, kết quả có thể không đúng nữa, cũng có thể do cái Tâm mình không còn đủ tịnh, đủ thanh để kết nối năng lượng với Vũ trụ nữa.

Học Dịch, hiểu Dịch rồi thì ta có thể tiến gần đến bực Thánh

Đúng: về nguyên tắc, nếu học Dịch, hiểu Dịch, sống theo Dịch thì ta đang dần tiến đến bực Thánh nhân.

Sai: lý thuyết là thế, song con đường đi chẳng hề đơn giản, sửa mình chẳng hề dễ dàng. Trên con đường tiến đến bậc Thánh nhân, ta phải bỏ mỗi chút mỗi chút, bỏ chứ không phải thêm, nhất là bỏ cái tôi, bỏ tham sân si, bỏ phân biệt nhị nguyên; và việc buông bỏ này có thể rất mất thời gian, trải qua nhiều đời nhiều kiếp. Cho nên, đời này không mong cầu làm Thánh, chỉ biết mỗi ngày bỏ đi một chút, bỏ tham sân si, bỏ bản ngã (cái tôi) là được.

Kinh Dịch dạy người ta bói toán để quyết định sự nghi hoặc. Nếu theo đạo lý nên làm thì vẫn là cứ làm, nếu theo đạo lý mà không nên làm tự nhiên không thể làm được. Thế thì cần gì phải bói? (ý là cứ tự theo Đạo lý mà hành động là được)

Có nhiều việc ở thời điểm hiện tại ta không thể dùng “đạo lý” hay “nguyên tắc thông thường” để tìm ra đáp án; hoặc ta không đủ kiên nhẫn chờ đến khi có kết quả thực tế; hoặc chính cái tâm ta dao động – chưa thể chắn chắn, chưa đủ vững mạnh để quyết định phương án hành động; do đó, ta cần “sự trợ giúp”, cần tham khảo thêm “sự chỉ dẫn” của quẻ. Tự lực (dựa vào chính mình) là tốt, nhưng nếu có thể sử dụng “tha lực” để hỗ trợ thì vẫn nên dùng, quan trọng là đừng lạm dụng, đừng biến mình thành người phụ thuộc vào “tha lực” (tha lực: lực của người khác, sự hỗ trợ thêm của công cụ, vật dụng khác).

Hào Dương phần nhiều là lành, Âm phần nhiều là dữ. Nhưng có khi Dương dữ mà Âm lành là vì sao?

Một việc, bản thân nó không phải luôn thiện, hay luôn ác; mà thiện hay ác tùy vào Thời và Vị, tức tùy bối cảnh, tình hình ngay lúc đó. Ví dụ: giết người là thiện hay ác? Giết 1 người để cứu nhiều người thì là thiện hay ác? Cho nên, không phải Dương là luôn tốt, Âm là luôn xấu. Yêu thương chìu chuộng con cái nhìn chung là tốt, là nên làm; nhưng nếu thấy con sai hoặc có chiều hướng đi sai đường, mà vẫn yêu thương chìu chuộng làm theo ý chúng thì là tốt hay xấu? Bạn ắt hẳn đã có câu trả lời.

(còn tiếp)

(bạn nếu muốn mua quyển này thì vui lòng liên hệ tôi qua Zalo 0918245688, mua 1 quyển được tôi luận miễn phí 1 lá số Tử vi)

Bình luận về bài viết này