Hà Tiên tản mạn

Vẫn biết Hà Tiên hấp dẫn bởi “thập cảnh” nổi tiếng từ ngàn xưa, nhưng nhìn cận cảnh hơn chút nữa vào thị trấn hữu tình này sẽ thấy còn thật nhiều nét cuốn hút không nỡ rời xa.
Trái cây rừng là loại đặc sản không thể bỏ qua. Phải tần ngần hồi lâu tôi mới biết cách bóc quả măng cụt rừng vàng ươm, thơm lừng. Bên cạnh là chùm quả trường (vải rừng) đỏ mọng cũng chưa biết ăn thế nào, nhưng cảm giác có được là hồi hộp và muốn khám phá mùi vị ngay. Quả rừng có vị chua dịu, thoang thoảng thơm, ăn kèm với muối ớt rất hợp. Ngồi bệt ven đường quốc lộ vừa xuýt xoa hoa quả vừa trò chuyện với em bé bán thứ quà vặt tận tay hái từ núi về mang lại cho chúng tôi một cảm nhận thật sự thú vị về miền đất này.

Đường vào trung tâm thị trấn một bên thênh thang sóng biển, một bên mát xanh vườn tượng đài Mạc Cửu. Nhớ đừng bỏ qua các vựa hải sản tươi sống, bổ rẻ, chế biến ngay tại chỗ với nhiều món ăn mang vị đặc trưng của biển miền Tây.

Tìm đến những con hẻm nhỏ trong khu phố cách lăng họ Mạc không xa để thưởng thức món bánh khọt mềm nóng, ngậy nước dừa nhân tôm tôi mới hiểu vì sao “tiếng lành” lại được “đồn xa” đến vậy! Chè đậu đen nấu đường thốt nốt sánh đặc với đá lạnh, xôi sầu riêng của người Campuchia dẻo nõn ăn xong mà mùi vị vẫn phảng phất trong trí nhớ. Còn búp sen xanh tươi, ngọt ngấu vừa hái lên từ đầm sen quanh lăng lúc tách ra còn vương mùi bùn thì quả thật là món quà quê đầy nỗi nhớ.

Thỏa thích với quà vặt xong, tôi vào thăm lăng Mạc Cửu. Vào ngày 27.5 âm lịch hằng năm, người dân địa phương tấp nập qua lại nơi đây để chuẩn bị cho lễ giỗ của vị tổng trấn tài giỏi. Năm nào cũng vậy, hơn ngàn người quanh vùng đổ về lăng để dự lễ, cầu xin những điều hằng ấp ủ và tin rằng sẽ được ngài phù độ. Những câu chuyện thần kỳ đã được truyền tụng. Dù đến tham gia không có điều thần kỳ mang về thì họ cũng được thỏa thích với phần hội ở đây. Những trò chơi dân gian đầy màu sắc được tái dựng đầy công phu và lạ mắt, cả những trò thi đấu đầy trí tuệ nữa.

Thích nhất là cảm giác ngồi nghe tiếng lá xào xạc giữa trưa hè tại Chiêu Anh Các, nhìn vọng ra hồ sen lớn lộng gió trước lăng sẽ thấy xứng đáng cho một dịp cuối tuần đi xa thành phố. Không gian xung quanh lăng mang nét cổ xưa, vắng lặng, cấu trúc nhà cửa, đường sá man mác vẻ thôn quê miền Bắc. Như một phách lạc đầy thú vị giữa câu vọng cổ của miền quê Nam Bộ xanh mướt.

Ra xa thị trấn gần 10 km để đặt chân đến cửa khẩu Xà Xía, nơi giáp ranh của Kiên Giang với Campuchia, đi băng qua cánh đồng rộng lớn, trên lằn ranh vô hình với nuớc bạn để thấy cảm giác ngây ngất trước thiên nhiên là có thật. Chiều xuống, tôi ngồi xì xụp với món bún riêu do người Campuchia nấu trong quán nhỏ ven ruộng, thêm thỏa thích một ngày cận cảnh đời sống nơi đây.

(Theo Thanh Niên)

Non nước Hà Tiên

Ở vị trí cuối vùng biên giới xa xôi tây nam nước ta, Hà Tiên là vùng đất nổi tiếng với nhiều danh lam thắng cảnh. “Hà Tiên thập cảnh” cùng với lịch sử khai mở vùng đất này đã từng đi vào thi ca.

Đến Hà Tiên, nơi đầu tiên du khách nên viếng thăm là khu đền thờ và lăng mộ dòng họ Mạc ở núi Bình San. Họ Mạc ở Hà Tiên, khởi đầu từ Mạc Cửu, người có công khai phá và xây dựng vùng đất này hơn 300 năm trước. Mạc Thiên Tích nối nghiệp cha, và ông là vị tướng văn võ song toàn, là người lập nên Tao Đàn Chiêu Anh các, làm rạng danh xứ Hà Tiên.

Từ chân núi lên, vào cổng, qua một khoảng sân, du khách bước vào đền thờ Mạc Cửu, sẽ nhìn thấy tấm biển đề bốn chữ “Khai trấn trụ quốc”. Trên vách đền có ghi lại những bài thơ trong “Hà Tiên thập vịnh” của Mạc Thiên Tích. Lần theo những bậc tam cấp lên núi, sẽ gặp khu lăng mộ của dòng họ Mạc. Ngôi mộ lớn nhất của Mạc Cửu có hình bán nguyệt khoét sâu vào núi. Mộ Mạc Thiên Tích thấp hơn, nằm bên trái mộ Mạc Cửu, cách chừng 30m.

Đi vòng theo chân núi, du khách sẽ gặp chùa Phù Dung do Mạc Thiên Tích xây cho thứ thiếp là nàng Phù Cừ tu hành. Cảnh quan ở núi Bình San với những lăng mộ gợi cho du khách nhiều cảm xúc hoài cổ!

Cách thị xã Hà Tiên chừng 6km là núi Đá Dựng, một danh thắng quốc gia được công nhận vào năm 2007. Núi Đá Dựng có những hang động thâm u, bí ẩn cùng những huyền thoại, truyền thuyết có từ thuở xa xưa. Do đặc trưng cấu tạo, cấu trúc địa chất, cùng với sự tác động của thiên nhiên qua thời gian dài nên trong lòng núi có rất nhiều hang động. Núi cao chừng 100 mét ngoài, chu vi khoảng 1,5 ki lô mét, nhưng có cả thảy hơn 14 hang động lớn nhỏ.

Sau khi mua vé vào cổng, du khách đi men theo sườn núi quanh co dài gần 1.300 mét, qua các ngóc ngách, hang động để khám phá. Lần lượt ta sẽ ghé các hang Mẹ Sanh, Thần Kim Qui, Bồng Lai, Lê Công Gia, Khổ Qua, Trống Ngực, Sám Hối, Cổng Trời, Xã Kỳ, Cội Hàng Da, Lầu Chuông, Bà Chúa Xứ… Mỗi hang động mang một nét đẹp khác nhau.

Từ TPHCM theo quốc lộ 1A về miền Tây, qua cầu Mỹ Thuận rẽ phải hướng về Sa Đéc, nhập vào quốc lộ 80, qua phà Vàm Cống, đến thành phố Long Xuyên rồi đi Tri Tôn – Vàm Rầy – Kiên Lương đến Hà Tiên chừng 310km.Cũng có thể đi ngả Tri Tôn – Giang Thành – Hà Tiên, có thể rút ngắn hơn được 15 km.

Ở hang Cội Hàng Da, huyền thoại dân gian truyền khẩu rằng đó là chỗ ở của Thạch Sanh. Một buổi sáng xa xưa, chính từ nơi đây, Thạch Sanh đã giương cung bắn đại bàng yêu tinh đang cắp nàng công chúa bay ngang qua núi Đá Dựng!

Từ Đá Dựng đến Thạch Động chừng 3 kí lô mét, du khách theo những bậc tam cấp lên hang. Thạch Động còn được gọi là Thạch Động Thôn Vân (động đá nuốt mây), động ở độ cao chừng 50 mét. Nhìn từ xa, Thạch Động trông giống chiếc mũ lông của một vị tướng nên người Pháp đặt tên là “Bonnet à Poil”. Phía trong động có một chùa Phật. Ở cửa tây nam có điện Bà Chúa Xứ. Phía đông, ngước nhìn lên trên có cửa hang thông đến đỉnh, dân gian gọi là đường lên trời.

Trong động có một miệng hang như miệng giếng, nhìn vào tối om, sâu thăm thẳm. Hiện nay miệng hang đã được bịt, lấp lại để tránh nguy hiểm. Nhiều người dân địa phương tin rằng “hễ ai xuống hang này đều biến mất, không trở lên nữa”; có người nói chắc nịch rằng hang này thông ra tới biển.

Biển Mũi Nai trong vịnh Thái Lan. Ảnh: ĐHT

Lối vào hang Dơi. Ảnh: ĐHT

Đến Hà Tiên cũng có nghĩa là đến với bãi biển Mũi Nai – nơi tận cùng bờ biển Việt Nam giáp với Campuchia. Từ trung tâm thị xã đi về phía tây, dọc theo con đường một bên là núi, một bên là biển, non xanh nước biếc chập chùng sẽ làm du khách say đắm trước bức tranh thiên nhiên. Từ trên Vọng hải đài ở chóp đỉnh núi Tà Ban lộng gió, ngồi thư thả uống nước, ngắm nhìn cảnh biển, trời, mây, non nước, du khách nhìn thấy khá rõ đảo Phú Quốc và các đảo lân cận. Qua viễn vọng kính, ta còn được ngắm nhìn cảnh quan trên đất Campuchia.

Ở Mũi Nai có dịch vụ xe máng trượt lên xuống núi Tà Ban (vé khứ hồi 40.000 đồng/khách). Du khách sẽ rất hào hứng, hồi hộp khi ngồi trên xe máng trượt uốn lượn, nghiêng mình qua những lối quanh co, khúc khuỷu len lỏi giữa rừng cây.

Theo Đặng Hoàng Thám
Thời báo kinh tế Sài Gòn

Chùa Hang – Hòn Phụ Tử ở Hà Tiên

Chụp từ trên ghe ngoài khơi, giữa Hòn Phụ Tử và Chùa Hang

Chụp từ trên ghe ngoài khơi, giữa Hòn Phụ Tử và Chùa Hang

Chùa Hang nằm trong một hang đá sâu độ vài chục mét. Cửa chùa quay vào đất liền Chùa này có tên chữ là Hải Sơn Tự.

Trong chùa thờ hai tượng Phật nhọn đầu theo kiểu tượng Phật Thái Lan. Trong cái hang đá vôi có không biết tự bao giờ này, du khách có thể nhìn thấy những thạch nhũ to cao như cột nhà. Nếu gõ vào thì kêu vang như tiếng chuông. Những chiếc cột này do đá vôi tái kết tinh thành các thân thạch nhũ và rỗng bên trong.

Nếu du khách ưa thăm thú, có thể đi thuyền ra Hòn Phụ Tử từ bãi biển trước mặt Chùa Hang. Những người ưa đi khơi xa có thể mướn thuyền ở ngay khu du lịch Hòn Chông để có thể đi ra Hòn Ngại, cách bờ chỉ độ một giờ rưỡi đi thuyền máy.

Cũng có thể đi đến Hang Tiền nằm trong một ngọn núi sát đất liền nhưng cửa hang nằm ở phía biển nên phải đi thuyền máy vào cửa hang rồi mới lên được. Truyền thuyết kể rằng khi xưa trốn chạy Tây Sơn, Nguyễn ánh đã từng trú chân nơi đây và cho quân lính đúc tiền tại hang này.

Dịch vụ khách sạn: Có thể ở các khách sạn như Tô Châu, Hà Tiên, Phương Thành, Ðông Hồ. Giá phòng có máy lạnh khoảng 120.000-150.000 đồng/ngày. Ðặc sản: đồ biển và các món ăn thuần Nam Bộ.

Hòn Phụ Tử thì đã bị sụp hòn cha (phụ) vào ngày 9.8.2006 mất rồi.