ĐI CHỢ GÒ TÀ MÂU – CAMPUCHIA

Saigontrẻ mới đi Chợ Gò (Tà Mâu, Campuchia) nên viết lại chia sẻ thông tin cho những bạn quan tâm.

Chợ Gò ở đất Campuchia, sát bên VN. Từ chợ Châu Đốc đi thẳng lên phía Bắc chừng 10-15 phút, đến ngã 3 rẽ trái chạy hồi là thấy thanh niên hai bên đường cứ ngoắc ngoắc thì là đến. Cần phải đi xe ôm qua “cửa khẩu” để đến chợ Gò và casino. Xe ôm chở 2 khách, mỗi khách 15-20K khứ hồi, khách cứ chơi đến khi nào muốn về thì gọi điện cho xe ôm vào chở về. Mùa nước nổi thì không đi xe mà đi chẹt, giá cả chưa hỏi vì Saigontrẻ đi xe ôm.

Xe ôm chạy khoảng 1-2km con đường nhỏ bề ngang chừng 1.5 mét, đá sỏi lổn ngổn, thì đến bốt biên phòng, có vài anh bộ đội đứng thu CMND rồi đi bộ chừng 10 mét, lại lên xe chạy vài trăm mét là tới chợ Gò, Casino. Khi nào về thì lấy lại CNMD.

Chợ Gò chủ yếu bán đồ điện tử, gốm sứ second-hand của Nhật, và đồ Thái như bánh kẹo, dầu, hóa mỹ phẩm. Thấy có bán xe đạp hàng hiệu nhiều, chắc cũng là second-hand, có cả xe đạp gấp. Hỏi có mang xe đạp về được không, họ nói được, cứ leo lên xe chạy qua cổng hải quan, hoặc thỏa thuận với người bán, họ giao hàng tại Châu Đốc luôn.

Casino thì Saigontrẻ không có vào, bạn đi cùng vào, thấy nói rằng “bèo”, và chủ yếu là người VN qua chơi thôi, có cả đá gà. Chơi bằng tiền mặt, không phải mua phỉnh.

Nếu bạn đi một hay hai người, đến chợ Châu Đốc có thể thuê xe ôm đi Chợ Gò, và chờ hay không chờ chở về, xe ôm ở đó đầy. Gần, không xa.

Có một số món thì chợ Châu Đốc bán rẻ hơn chợ Gò, và mua ở chợ Châu Đốc thì tiện hơn, khỏi cồng kềnh mang vác qua hải quan và xe ôm chạy đường dằn xóc.

Saigon Trẻ

www.hylacshop.com (Hỷ Lạc): web bán đá phong thủy của SGT

www.tuviphongthuytamlinh.com: nơi SGT đăng các bài viết của mình về Tử vi, Phong thủy, Tâm linh; và bạn có thể đăng ký xem tử vi miễn phí ở đây

www.saigontre.com: để bạn hiểu hơn về SGT nếu muốn

www.facebook.com/saigontre007/: FB của SGT

ĐI DU LỊCH VÀ CHUYỆN BỊ LỪA

Là người địa phương, thỉnh thoảng ta còn bị lừa, hoặc bị “chặt chém” khi đi du lịch trong nước; huống chi là khách du lịch đến một đất nước lạ. Tôi đã đi du lịch bụi có, tour có, trong nước có, ngoài nước có, bị lừa có nhưng chưa nhiều. Xin chia sẻ với bạn đôi điều về bị lừa.

Đi tour trong nước: đi tour thì cũng không có nhiều “cơ hội” để bị lừa, chỉ trừ khi ta mua đồ bị chém hay chất lượng dỏm thôi. Theo kinh nghiệm của tôi thì không nên mua ở xung quanh khu du lịch, vì giá họ bán cho khách du lịch. Có thể vào chợ, và để ý người địa phương chấp nhận giá nào. Tuy nhiên, món giá trị nhỏ, nếu thích và chấp nhận giá thì cứ mua ngay, vì đôi khi kiếm lại không có. Hướng dẫn viên cũng có thể kiếm thêm bằng cách giới thiệu cho đoàn du khách mua đặc sản (giá không rẻ). Nếu đi ăn tự túc thì cần hỏi rõ giá cả, có thể hỏi HDV địa điểm ăn an toàn. Khi đến, nếu thấy đông người địa phương thì cứ vào ăn, nhớ hỏi giá, nếu có sẵn menu có giá thì yên tâm hơn.

Đi bụi trong nước: nên tìm hiểu trước về khoảng cách, mức sống, mức giá nơi đến. Và để ý người địa phương trả tiền như thế nào. Đi bụi thì không nên thể hiện mình có nhiều tiền hay sang trọng. Tranh thủ nói chuyện nhiều với dân địa phương để hỏi giá cả. Tôi đi bụi không bị lừa, nhưng có thể chưa tìm được giá rẻ hơn, thông minh hơn. Ví dụ đi Hội An, Hà Nội… thay vì lên taxi và tính theo km, thì có nhiều cách giá tốt hơn, ví dụ trả giá trọn gói với tài xế, kiếm xe “dù” (là xe tư nhân làm dịch vụ đưa rước người từ sân bay), đặc biệt chuyến đi ra sân bay có giá rẻ hơn nhiều so với giá taxi, vì xe tư nhân lập luận rằng họ ra sân bay xong, họ còn kiếm khách quay về được. Từ sân bay Đà Nẵng tôi đi taxi đến Tam Kỳ, giá tổng đài đưa là 600.000 đồng. Khi từ Tam Kỳ về Hội An, trao đổi với tài xế thì biết là giá chiều ngược lại Tam Kỳ về sân bay chỉ 260.000 đồng. Ngạc nhiên chưa? À, các bạn trẻ thường bị bắt nạt bởi những kẻ chuyên trấn áp du khách ở những nơi đông du khách, ví dụ Châu Đốc.

Đi tour nước ngoài: tôi chỉ mới đi 02 tour nước ngoài là Campuchia, và Lào, cũng chưa bị lừa gì. Tôi nghĩ, nên đi theo đoàn, buổi tối không nên đi mấy nơi nhạy cảm (như khu sex shows). Mua đồ lưu niệm hay đặc sản thì nơi có niêm yết giá và nhiều người mua thì cứ mua. Nhưng đừng nên mua mấy món đắt tiền như vàng, kim cương, đồ điện tử có giá trị… Khi đổi tiền cũng cẩn thận, chỉ đổi ở quầy đổi tiền có bảng hiệu, không đổi cho “cò” đứng ngoài đường. Có thể hỏi HDV.

Đi bụi nước ngoài: trường hợp này dễ bị lừa nhất, hình thức bị lừa đa dạng nhất. Nên tìm hiểu thông tin trước qua mạng Internet. Đổi tiền cứ đổi ở sân bay, quầy đổi tiền trong ga tàu, hoặc ở Khách sạn. Giá có thể thấp một chút nhưng an toàn, không sợ bị thiếu, bị tiền giả… Không đến nơi nhạy cảm, không ra ngoài nơi vắng vẻ buổi tối. Đi đâu cần có bản đồ, biết rõ khoảng cách đi, chỉ cho tài xế thấy bản đồ từ A đến B để họ không thể chạy lòng vòng. Có thể thương lượng giá trọn gói, và đề nghị tài xế ghi vào tờ giấy để tránh đến nơi rồi họ tráo trở. Đến địa điểm tham quan, đừng tin lời những người tự tiếp cận mình rồi nói là nơi này đóng cửa, nghe theo đề nghị của họ lên xe đi tham quan nơi khác. Cũng đừng tham rẻ, cả tin mà mắc bẫy mua hàng dỏm giá cao, và phải trả giá, cứ trả 30% giá họ nói, rồi giả bộ đi, nếu họ không bán mà ta muốn mua thì ta nâng lên từ từ. Người dân địa phương theo hỏi lịch trình thì đừng nói, đừng đưa vé hay hộ chiếu gì cho họ xem. Hành lý đơn giản, gọn, bình dân. Trang sức có giá thì để ờ nhà hết. Đồ quan trọng (hộ chiếu, tiền) thì mang trong người, trong quần/áo. Ở Châu Âu, tôi không bị, nhưng bạn bè tôi bị nhiều, là bị móc túi, bị làm phân tán sự chú ý để lấy hành lý. Ở Thái Lan thì tôi bị 1 trận trấn lột 500 baht trong khi xem sex show ở Patpong, cũng may là số tiền không lớn, và không xảy ra sự cố gì. Tởn tới già!

Tôi đã đi bụi Ấn Độ và Nepal, nghe Ấn Độ thì thấy hơi ớn vì tin tức về an ninh cho du khách ở Ấn cũng hơi bị xấu, lừa đảo cũng nhiều. Tôi đọc trên mạng mấy câu chuyện của các bạn trẻ đi Ấn bị lừa ở nhà ga, bến xe… Nhưng khi tôi đi thì không bị, chuyến đi Ấn của tôi thật sự thành công và tôi rất thích Ấn.

Tóm lại, để du lịch bụi nước ngoài tối thiểu hóa khả năng bị lừa thì bạn cần phải bỏ nhiều công sức lên mạng tìm hiểu nơi đi, khoảng cách, giá các phương tiện chuyên chở, giờ mở cửa – đóng cửa các điểm tham quan; nếu muốn mua đặc sản hay gì mắc tiền thì phải biết giá mặt bằng chung; và đừng ăn bận sang trọng để người ta “biết” mình có tiền rồi họ sinh tâm muốn lừa mình; vui vẻ với mọi người nhưng cần phải có đầu óc phán đoán – không nhẹ dạ cả tin.

SAIGON TRẺ

ĐI BỤI NƯỚC NGOÀI

Mấy năm tạm ngưng du lịch bụi nước ngoài (2012, 2013, 11 tháng đầu năm 2014), đến cuối năm 2014 máu lại nổi lên, nghiên cứu, mua vé cho chuyến đi Myanmar vào dịp Tết ta Ất Mùi, rồi lại bất ngờ làm luôn chuyến đi Tứ Động Tâm ở Ấn Độ và Nepal trong dịp Tết dương lịch, tôi thấy để du lịch bụi nước ngoài thì không quá khó, chỉ cần bạn thỏa 02 điều kiện chủ chốt: tiếng Anh, và tài chính.

Tôi không thích đi du lịch theo tour, lý do chính là: đi theo tour nên mình lười tìm hiểu thông tin, cuối cùng là đi về rồi chẳng nhớ chẳng rành bao nhiêu về nơi đến. Trong 21 quốc gia tôi đã đến thì chỉ có Campuchia và Lào là tôi đi tour, rốt cuộc chẳng còn ấn tượng gì mấy.

Tôi thích đi bụi, tự tìm kiếm thông tin từ A đến Z, tự mua vé, xin visa (nếu cần). Vì mọi thứ phải tự làm, nên làm xong thì sẽ rất nhớ, rất biết về điểm đến.

Chỉ cần có thẻ quốc tế, tốt nhất là tín dụng (credit) (vẫn có thể sử dụng thẻ ghi nợ quốc tế – debit), ta có thể dễ dàng và tiện lợi mua vé máy bay (thường là các hãng giá rẻ như Air Asia, Tiger Air, Vietjet, Jetstar, Indigo của Ấn…), và đặt phòng khách sạn qua Agoda.com (phải trả tiền bằng thẻ), hoặc Booking.com (có thể không cần phải trả tiền trước). Các website đặt phòng KS có đầy đủ tiện ích để ta tìm kiếm theo khu vực, hiện bản đồ vị trí KS, xem các đánh giá (reviews) của những người đã ở đó… Và quan trọng là Google Maps cho ta bản đồ của hầu như mọi địa điểm. Cộng với tìm kiếm thông tin về điểm đến qua LonelyPlanet.com hoặc cứ tìm qua Google.

Nếu bạn chưa đi, và tiếng Anh đủ để giao tiếp, thì cứ đi. Vạn sự khởi đầu nan. Đi lần đầu thì cái gì cũng lạ. Rồi sẽ hình thành bản lĩnh đi bụi, lên kế hoạch cho chuyến đi tốt hơn, xử lý tình huống tốt hơn, và hạn chế bị lừa. Vì là khách du lịch thì ta cũng là đối tượng của nhiều kẻ bất lương.

Tùy theo ngân sách, sở thích, độ tuổi, sức khỏe… mà ta có kế hoạch đi của riêng mình, không nhất thiết phải đi theo cách của người khác.

Chúc bạn có những chuyến đi bụi nước ngoài thật nhiều trải nghiệm hay!

PHỤ NỮ ĐI DU LỊCH BỤI MỘT MÌNH

Bài này viết về kinh nghiệm bản thân đi du lịch bụi một mình. Tôi thì chưa đi du lịch bụi một mình nhiều, chỉ vài lần thôi, đa phần tôi đi bụi 02 người phụ nữ. Tôi đã đi qua 21 quốc gia, chưa kể VN, trong đó có 08 quốc gia châu Âu, còn lại là quốc gia châu Á, trong 15 nước này chỉ có Campuchia và Lào là tôi mua tour du lịch, còn lại là tự đi bụi, nhưng có ít nhất là một bạn đồng hành. Bởi vì, khi ta du lịch nước ngoài, có nhiều điều lạ lẫm, rất cần có ít nhất một bạn đồng hành để chia sẻ, để bảo vệ lẫn nhau, và để chuyến du lịch còn có giá trị, nếu không sẽ buồn lắm và vì thế số tiền và thời gian bỏ ra sẽ không xứng đáng.
Còn ở VN thì tôi cũng đi bụi nhiều lần, mua tour có, tự đi có, đi có bạn có, đi một mình có. Ngẫm lại, các chuyến đi một mình gồm:
1. 15 tuổi, tự mình từ Tp.HCM về nhà ở Lấp Vò – tỉnh Đồng Tháp. 180km, có qua phà – phải xuống xe rồi qua bờ kia phải tìm đúng xe mà lên lại. Thật ra tôi đã đi tuyến đường này nhiều lần rồi nên không có gì đáng lo lắm. Mẹ dắt ra bến xe Miền Tây, mua vé, đưa lên xe, rồi Mẹ về lại Saigon vì có việc nên phải về nhà ở Lấp Vò sau, tôi có việc gấp (thi chuyển cấp gì đó, lâu quá rồi không nhớ) nên phải về Lấp Vò ngay. Chỉ có một điều đáng sợ nhất là những người bán hàng rong ở phà Mỹ Thuận, eo ôi, ai đã từng qua phà vào thời năm 1990 (khi tôi 15 tuổi) thì biết, họ hung dữ và lừa lọc cỡ nào.
2. 23 tuổi, gần tốt nghiệp Đại học, có bạn ở Bình Định, chưa từng ra miền Trung, hôm bảo vệ Thực tập xong, hứng chí phone nhỏ bạn ở Tây Sơn – Bình Định, hỏi số nhà, nói là “tao sẽ ra”. Nó ừ ừ à à nhưng thật sự không tin. Thế là ngay chiều hôm đó ra bến xe Miền Đông, bắt xe đi Quy Nhơn. Lên xe hỏi đường, đến ngã rẽ đi nhờ xe tải của anh hành khách quen trên xe đò. Sau này đọc báo Công An thấy nữ sinh đi nhờ xe tải bị sự cố, eo ôi, khiếp. Thế mà ngày ấy có biết gì đâu mà sợ Ra đến nhà nhỏ bạn, Mẹ nó hỏi mình đi bằng gì, khi nghe đi nhờ xe tải cho khoảng 30km thì bà la quá chừng.
3. Hình như 25-26 tuổi gì đó, đi bụi xe máy về quê chơi Tết, sau đó trở lên, chưa muốn về nhà, đi bụi xuống Gò Công (chưa từng đến) tìm nhà bạn, tưởng là tìm không được, ai ngờ cuối cùng có 1 chú xe ôm là bố của bạn của bạn dẫn đến tận nhà.
4. Lần bụi lớn nhất là một mình một xe Wave Honda, đi hơn 1000km hết các tỉnh ĐBSCL trong 7 ngày, thực hiện vào tháng 12 (cộng 2 ngày của 2009) năm 2008. Đi đủ các quốc lộ, tỉnh lộ… Rất thú vị. Đang định làm chuyến nữa sau 08 năm (2016) nè.
Kinh nghiệm đi du lịch bụi bằng xe máy của tôi:
– Tính toán hành trình, mỗi ngày đi tối đa 250km thôi, tốt nhất là đi khoảng 180-200km là vừa. Không đi khi mặt trời đã lặn. Thông thường tôi đến nơi vào khoảng trễ nhất là 5 giờ chiều. Đi trễ hơn quá nhiều rủi ro rình rập.
– Xe xăng nhớt đầy đủ, đừng chủ quan. Tôi không biết và hiện chưa thể tự xử lý khi bị thủng ruột xe, nhưng tôi có đem theo 1 ruột xe mới, nếu có sự cố thì đành dắt bộ tìm người làm giúp.
– Nên hỏi đường, và cân nhắc không nên quá mạo hiểm đi đường lạ, vì có nhiều đường đang làm, sợ nhất là đường đang làm – chạy rất vất vả.
– Có một túi nhỏ đeo bên người, tất cả giấy tờ tùy thân, thẻ ATM, tiền… đều phải ở sát bên người.
– Thuốc men, dầu, vật dụng cá nhân… đầy đủ.

Nói chung đi bụi ĐBSCL thì không có gì e ngại, đường dễ đi, người miền Tây đa phần tốt bụng, xởi lởi… Nếu đi bụi nước ngoài 01 mình thì thật sự tôi không muốn, vì như tôi đã nói, bỏ ra nhiều chi phí để đi một mình thì thấy chưa cân bằng “chi phí – lợi ích”. Tôi đi nhiều chuyến bụi nước ngoài 02 người phụ nữ, cũng phải cẩn thận, tránh đi nơi vắng lúc tối, tránh vào nơi “nhạy cảm”. À, chỉ có đi Myanmar lần 2 một mình, đi mua đá và kiếm nguồn cung cấp đá, đã đi qua, rành đường đi nước bước, và đi công việc chứ không phải đi bụi nên cũng không có trở ngại gì.

Đi bụi trong nước 01 mình thì tôi sẽ tiếp tục đi, muốn đi hết các tỉnh thành Việt Nam nhưng chưa thực hiện được vì chưa đủ hứng và điều kiện, có thể sẽ đi từng điểm trong 2-3 ngày.

Những ai chưa thử du lịch bụi, và muốn đi bụi, thì cứ đi, vạn sự khởi đầu nan mà, đi rồi sẽ tăng bản lĩnh đi bụi.

Saigon Trẻ

ĐI BỤI BRUNEI VÀ CHUYỆN MA Ở KHÁCH SẠN: NGÀY 4: VỀ NHÀ, VÀ CÁCH HẠN CHẾ BỊ MA PHÁ Ở KHÁCH SẠN

8 giờ sáng check out, đã nhờ khách sạn gọi taxi, giá 20 đô Brunei, thật ra do Air Asia đổi giờ bay, ban đầu định check out lúc 6 giờ sáng, giờ đó sợ chưa có bus, nên dặn khách sạn kêu taxi rồi, nhưng sau đó đổi lui 2 tiếng, nếu chưa kêu taxi có thể đi bộ ra đón bus ra thẳng sân bay, chỉ 1 đô Brunei/người. Nhưng thôi, ra sân bay đúng giờ là chuyện quan trọng, tốn tiền cũng đành chịu.

Sân bay Brunei không có nước uống miễn phí, phải mua nước. Sáng đã nấu nước pha cháo ăn liền, 1 gói 2 chị em cùng ăn lót dạ. Rồi ăn bánh tây, rồi ra sân bay mua ít đồ ăn… coi như xong bữa sáng. Sân bay Brunei vắng, chỉ có 8 cổng bay. Rồi cũng lên máy bay, đặt 2 món ăn trên máy bay, rất ngon. Bay hơn 2 giờ thì đến Kuala Lumpur. Chờ quá cảnh ở đây đến 7 giờ, làm biếng ra ngoài chơi nên cứ ở sân bay giết thời gian.

Xem tin biết ngày 26/9 Saigon “thất thủ” với mưa lớn ngập, sân bay TSN cũng thất thủ với Thủy tinh. Chiều ngày 27/9 nhờ bạn bè ở Saigon cập nhật tin, cũng bắt đầu mưa trên diện rộng từ 3 giờ chiều. Cứ lo không biết có về đúng giờ được không hay phải lê la đây đó nữa. May quá, cuối cùng cũng về được, đáp xuống an toàn, mưa lâm râm, không còn ngập. Đi taxi về đến nhà là 11 giờ đêm.

Pha sữa nóng làm mỗi người một ly lót dạ cho ấm bụng, rồi SGT thắp nhang các bàn thờ cho ấm nhà, rồi ngủ. Home sweet home. Về đến nhà là sướng rồi.

KẾT LUẬN

Brunei là xứ đạo Hồi, nên cấm hút thuốc nơi công cộng, cấm uống rượu nơi công cộng. Chẳng có gì chơi. SGT đi để biết. Bác tài taxi nói là dân Brunei muốn chơi thì qua Malaysia chơi, ngay kế bên, qua đó chơi gì cũng có. Người ít (chỉ khoảng nửa triệu dân cho hơn 5000 km2, lớn gần 2.5 lần Tp.HCM mà dân số chỉ 1/20 lần của Tp.HCM), cứ mỗi 2 người dân thì có 1 chiếc xe hơi, mà cũng chẳng thấy kẹt xe. Ăn uống cũng không mắc lắm. Nếu bạn thích đi đây đi đó để biết những gì khác ta, thì dằn túi 7-8 triệu là đi được. Nếu bạn chưa đi nhiều nước khác thì hãy ưu tiên nước khác nhé.

SGT đi nhiều rồi, chỉ có kỳ này ở Brunei, ở 2 khách sạn đều bị ma trong phòng. Tạm thời SGT có thể nghĩ ra 2 nguyên nhân: một là ít du khách nên phòng khách sạn ít được sử dụng, nên âm khí nhiều; hai là đạo Hồi có thể làm khó siêu thoát chăng?

Đi ở khách sạn, khách sạn có âm hồn là chuyện bình thường. Thế thì làm sao để hạn chế bị phá? SGT đúc kết như sau, xin chia sẻ cùng bạn:

Trước khi mở khóa vào phòng, nên gõ cửa 3 tiếng, rồi chờ chút hãy mở cửa, mở xong đứng nép qua một bên, chút xíu sau hãy vào. Vào rồi thì mở đèn lên hết, miệng thầm khấn đại khái là “Xin phép quý vị cho tôi ở tạm phòng này x đêm, nếu có vô tình phạm lỗi với quý vị xin quý vị lượng thứ cho.” Rồi nếu có ít bánh trái thì để ra dĩa để riêng một góc, mời “quý vị” dùng (xong rồi bỏ đồ ăn đó, không ăn).

Khi đi nên mang theo vật tâm linh (ví dụ đạo Phật thì mang theo mặt Phật, đã được trì chú càng tốt; nếu đạo Chúa thì mang tượng Chúa hay thánh giá…), và để đầu giường ngủ, mang bên mình càng tốt. Tối trước khi ngủ nên trì chú hay đọc kinh. Nếu sợ hay ngủ một mình thì nên để đèn, mở Tivi cho có tiếng động, để suốt đêm.

Hết!