07 ngày “Tây du ký”

Một mình, một “ngựa” (Honda Wave đời 2006) – “thân gái dặm trường”, tôi quyết định thực hiện chuyến xuyên miền Tây (đồng bằng sông Cửu Long) vào dịp cuối năm dương lịch 2008. Kế hoạch cho phép 09 ngày ngao du sơn thủy (thủy nhiều hơn sơn), và chương trình rất linh động, tùy cơ ứng biến.

Miền Tây vốn hiền hòa, mến khách. Người miền Tây không giỏi ăn nói, nhưng luôn làm cho khách phương xa ấm lòng bằng tấm lòng thành của mình. Miền Tây không nhiều cảnh hùng vĩ như núi non trùng trùng điệp điệp của miền Bắc, miền Tây cũng không nhiều danh lam thắng cảnh nổi tiếng như khúc ruột miền Trung, nói đến miền Tây là nói đến ruộng đồng thẳng cánh cò bay, là nói đến kênh rạch chằng chịt, là nói đến con người chân tình, mộc mạc, bình dị…

Tôi, một người phụ nữ ở tuổi 33 bước sang 34, chưa vướng bận gánh chồng con, đã quen nhiều với các tỉnh miền Tây, trưởng thành từ một tỉnh miền Tây, nhưng chưa đi hết các tỉnh miền Tây, và đặc biệt chưa từng có cơ hội “làm một chuyến” bằng xe gắn máy đi hết các tỉnh miền Tây. Lần này, thu xếp nghỉ phép vài ngày, kết hợp với nghỉ Lễ và cuối tuần, tôi có tối đa 09 ngày để thỏa chí một lần – và có thể chỉ là một lần, không còn lần thứ 2 dành cho miền Tây nữa (vì còn phải dành cho miền Đông, Tây Nguyên, miền Trung, miền Bắc…)

Các bạn trẻ, đặc biệt là sinh viên, có thể đi khắp miền Tây bằng xe gắn máy, chi phí cũng rất rẻ, nếu tính rẻ nhất (tiết kiệm) thì bình quân mỗi ngày 02 người đi chung một xe chỉ cần tốn từ 200.000 – 300.000 đồng cho 02 người mỗi ngày (50.000 đồng tiền xăng cho 200km/ngày, 150.000 đồng tiền ăn và uống cho 02 người, ngủ thì có thể ngủ nhờ hoặc thêm 50.000 đồng phòng trọ không máy lạnh). Vậy, chỉ cần khoảng một triệu đồng mỗi người, hai người đi chung, là các bạn có thể “tây du” khắp 13 tỉnh thành đồng bằng sông Cửu Long rồi.

Riêng tôi, chuyến đi 07 ngày này tổng chi phí dưới 2.500.000 đồng, kể cả tiền mua đặc sản làm quà. Rất rẻ phải không các bạn!

07 ngày, hơn 1000km bằng xe gắn máy, đi hết toàn bộ 13 tỉnh thành, qua 10 con đò và phà, qua không biết bao nhiêu là cây cầu, đi qua 10 quốc lộ (QL 62, 30, 91, 80, 61, 63, 1A, 54, 53, 60) và cũng 10 tỉnh lộ (TL 10, 823, N2, 831, 844, 841, 953, 955A, 38, 911), cộng với 20km đường tắt – con đường đau khổ nhất, và 200km đi về đường thủy bằng tàu cao tốc (không tính trong tổng số 1000km nói trên).

Nào, mời bạn cùng tôi ta cùng du lịch qua từng ngày hành trình chi tiết bên dưới nhé!

Ngày 1 (26/12/2008 – thứ 6): Tp.HCM – Đức Hòa (Long An) – Mộc Hóa (Long An) – Vĩnh Hưng (Long An) -Tân Hưng (Long An) -Tam Nông (Đồng Tháp): hơn 200km

Ngày 2: Tràm Chim – Hồng Ngự (Đồng Tháp) – Tân Châu (An Giang) – Châu Đốc (An Giang) – Nhà Bàng (huyện Tịnh Biên – tỉnh An Giang) – Hà Tiên: khoảng 170km.

Ngày 3: Hà Tiên -Hòn Đất – Rạch Giá – Minh Lương – Thứ Ba (huyện An Biên, tỉnh Kiên Giang) – Vĩnh Thuận (Kiên Giang) -Trí Phải (Cà Mau) – Tp. Cà Mau: hơn 200km.

Ngày 4: Tp. Cà Mau – Năm Căn – Đất Mũi – Tp. Cà Mau: 200km đường thủy

Ngày 5: Tp. Cà Mau – Hộ Phòng – Giá Rai – Bạc Liêu – Nhà Mát – Sóc Trăng: 130km

Ngày 6: Sóc Trăng – Phụng Hiệp (tỉnh Hậu Giang) – Cần Thơ – Cái Vồn (huyện Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long) – Trà Ôn -huyện Càng Long (tỉnh Trà Vinh) – Cổ Chiên – Mỏ Cày (Bến Tre) – Thị xã Bến Tre – Mỹ Tho: 180km

Ngày 7: Mỹ Tho – Tp.HCM: 65km

Mời bạn xem chi tiết các bài ở những bài tiếp theo.

2 Comments

Bình luận về bài viết này